Tọa đàm góp ý Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

Ngày 10/6, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) tổ chức Tọa đàm góp ý Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN), một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT, các chuyên gia, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức.

Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi bao gồm: Thuyết minh và Dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi; Hướng dẫn thực hiện bài tập đánh giá trẻ trực tiếpPhiếu chấm điểm và Ghi điểm đánh giá trẻ trực tiếp: Lĩnh vực vận động; Phiếu chấm điểm đánh giá trẻ trực tiếp: Lĩnh vực nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm QHXH, thẩm mỹ, tiếp cận với việc học; Phiếu chấm điểm qua quan sát hoạt động tạo hình; Phiếu chấm điểm qua quan sát hoạt động vui chơi; Phiếu hỏi GV trực tiếp dạy trẻ; Phiếu hỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ và danh mục đồ dùng, dụng cụ, thiết bị thử nghiệm.

Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh phát biểu tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh chia sẻ: Bộ chuẩn phát triển của trẻ em 5 tuổi hiện hành được ban hành năm 2010. Theo thời gian và các điều kiện xã hội phát triển của trẻ em ngày nay cũng có nhiều sự thay đổi. Điều đó dẫn tới việc chúng ta phải tham khảo các Bộ chuẩn của thế giới, căn cứ vào sự phát triển của trẻ em Việt Nam, điều chỉnh, bổ sung và ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn về giáo dục mầm non và phát triển của trẻ em hiện nay.

“Trong hai năm qua, Bộ GDĐT đã tổ chức một nhóm gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đã xây dựng được Dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Dự thảo của Bộ chuẩn mới về cơ bản dựa trên cơ sở cấu trúc của Bộ chuẩn hiện hành nhưng được tiếp cận bằng cách phát triển năng lực của trẻ. Tuy nhiên để ban hành được Bộ chuẩn này chúng ta cần có đánh giá, thử nghiệm, góp ý, rà soát, điều chỉnh để hoàn thiện.

Hiện nay, Bộ công cụ thử nghiệm chuẩn phát triển trẻ em đã được đánh giá thử nghiệm trên diện hẹp tại một số địa phương. Sau buổi góp ý hôm nay, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục triển khai thử nghiệm, hoàn thiện Bộ công cụ này. Khi hoàn thiện Bộ công cụ sẽ được tập huấn cho các đối tượng thử nghiệm tại các địa phương và đối tượng tập huấn sẽ được mở rộng”, ông Nguyễn Bá Minh thông tin.

Bà Tôn Thị Tâm, đại diện Tổ chức ChildFund Việt Nam trao đổi tại Tọa đàm

Việc thử nghiệm Bộ công cụ sẽ được triển khai theo 2 hình thức. Hình thức thứ nhất là các chuyên gia từ Trung ương sẽ trực tiếp tới các địa phương để đánh giá thử nghiệm Bộ công cụ này. Hình thức thứ hai là thử nghiệm ủy quyền cho đội ngũ quản lý, giáo viên mầm non ở địa phương.

Bà Tôn Thị Tâm, đại diện Tổ chức ChildFund Việt Nam cho biết: “Xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch chiến lược của Bộ GDĐT giai đoạn 2021-2030. Hiểu được tầm quan trọng như vậy nên ChildFund Việt Nam cũng như một số tổ chức quốc tế khác đã và đang đồng hành cùng Vụ GDMN trong quá trình xây dựng, phát triển Bộ chuẩn phát triển với mong muốn trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng khó khăn được quan tâm. Đồng thời cũng mong muốn rằng giáo viên, cán bộ quản lý ở các cơ sở GDMN tại địa phương có cơ hội tiếp cận sớm, tham gia vào xây dựng để có thể triển khai Bộ chuẩn phát triển 5 tuổi trong tương lai”.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, tổ chức trong nước và quốc tế, các trường đại học đã đề xuất, trao đổi ý kiến, chia nhóm thảo luận xung quanh các vấn đề, theo 6 lĩnh vực liên quan đến hoàn thiện Bộ công cụ thử nghiệm gồm: Phát triển thể chất; Phát triển tình cảm và quan hệ xã hội; Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; Phát triển nhận thức; Phát triển thẩm mỹ và tiếp cận với việc học.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Đánh giá bài viết này

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *